Ý nghĩa của việc đúc tượng đồng,công đức chuông đồng
Ý nghĩa và công đức của việc đúc chuông, tạo tượng, Thượng toạ cho rằng: Trong Phật giáo, gây tạo tượng Phật vừa là một nghệ thuật điêu khắc, vừa thể hiện niềm cảm xúc tôn kính đối với đức Phật, vừa góp phần giữ gìn hình ảnh của Phật giáo cho nhiều đời sau, đồng thời cũng là phước lành rất lớn. Nếu bức tượng được đúc ra đó hảo tướng, trang nghiêm, được nhiều người chiêm ngưỡng, lễ bái cung kính, phát tâm tu hành; hoặc tượng được đặt tại một ngôi chùa có chư tăng ni tu hành chân chính, thu hút được mọi người tề tựu về tu tập rất đông thì công đức của người đóng góp vào bức tượng sẽ rất lớn.
Đầu tiên họ sẽ có duyên lành với Phật pháp hết kiếp này đến muôn kiếp về sau. Dù họ trôi lăn, lạc lối, thậm chí lỡ gậy tạo tội lỗi thì vẫn không bị rơi vào đọa xứ bởi thường có người đến nhắc, kéo họ về với Phật pháp. Hơn nữa, trong tâm người đó tự nhiên xuất hiện quyết tâm tinh tấn mãnh liệt để có thể tu hành khai mở tâm linh. Nếu tiến xa hơn, họ có thể làm người xuất gia đạo cao đức trọng, giáo hóa chúng sinh không ngừng nghỉ, điều đặc biệt là có thân tướng ta rất hoàn hảo, nghiêm trang, không bị khiếm khuyết.
Nói chung, kim thân của đức Phật mà đúc đẹp, được đặt ở một nơi linh thiêng, có tăng ni, phật tử tinh tấn tu hành và pho tượng được truyền đời rất lâu thì thường phúc của những người phụ góp vào lớn đến mức phải sinh lên cõi trời. Nếu phải trở lại cõi người, họ luôn là người ở trong ngôi vị tôn quý, có thân tướng tốt đẹp. Thậm chí khi chịu quả báo vì một ác nghiệp nào đó, nếu phải bị tai nạn họ không bao giờ bị đứt tay, cụt chân hay bị biến dạng cơ thể mà được phục hồi rất nhanh, rồi thân thể lành lặn trở lại. Hôm nay, duyên lành đó đã nằm nơi chùa Nhân này, chúng ta hãy góp phần công đức. Như một lời kêu gọi, Thượng toạ làm gương trước đã hỷ cúng 20 triệu đồng và đạo tràng Phật Hạnh (Hà Nội) cũng phát tâm cúng dường trên 20 triệu đồng.
Cái niềm say mê gây tạo tượng Phật trong Phật giáo rất là lớn. Vì vậy có những tu sĩ miệt mài cả đời chỉ lo tạc tượng. Những người có tình yêu kính đối với đức Phật lớn lao thì họ lại càng thích tạc tượng Phật để cho mọi người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, có những giai đoạn tượng Phật được tạc ra không đẹp. Vì thế những người góp phần bồi tạo vào bức tượng đó bị cảm quả báo kiếp sau phải sinh ra với gương mặt khó nhìn, thậm chí kì dị. Do đó khi bồi tạo tượng Phật, ta buộc phải yêu cầu người nghệ nhân tạc tượng Phật bằng cái nhìn của người Việt Nam ngày hôm nay, không qua trung gian Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ để tạo ra một gương mặt đức Phật hoàn hảo trong từng chi tiết nhỏ. Có vậy mới giúp chúng sinh dễ dâng lên cảm xúc tôn kính.
Ý nghĩa đúc chuông đồng trong thế giới tâm linh
Mặc khác, tiếng chuông chùa là một phương tiện độ sanh không thể thiếu. Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, ta vừa phải độ người sống, vừa độ người mất. Trong số những người mất đó, ta lại hết sức quan tâm, ưu tư về những chúng sinh bị đọa đày ở cõi địa ngục. Đó là những người lúc sống đã làm những điều cực ác, họ bướng bỉnh cang cường đến mức không ai can ngăn được. Vì ác nghiệp đó, khi rời bỏ cõi này họ buộc phải đọa xuống địa ngục. Trong địa ngục không có ánh sáng, cực kì hôi hám, nhiệt độ nóng lạnh vượt khỏi sức chịu đựng của chúng sinh ở cõi người, tất cả mọi cảm giác khó chịu đau đớn đều vô cùng dữ dội. Những chúng sinh ở đó rên la kêu van thảm thiết trong vô vọng.
Cho nên, các vị Tổ đã tạo ra chuông chùa với mong muốn tiếng chuông đồng sẽ được chúng sinh ở cõi địa ngục nghe thấu rồi thay đổi tâm hồn mà thoát khỏi cảnh đọa đày. Tiếng chuông ngân vang kết hợp với những lời tụng thỉnh chuông của chư tăng ni gửi gắm vào sẽ được biến thành đại thần chú. Đại thần chú này vang xuống dưới cõi địa ngục, vang cao lên đến những tầng trời và vang ra không gian chung quanh, gần gũi nhất là xóm làng con người.
Từng hồi chuông buông xuống không chứa đựng ngôn ngữ, không ít người cho rằng đó chỉ là âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên, kể cả loài cọp nghe cũng được thay đổi tâm hồn, huống hồ con người. Khi nghe ngôn ngữ ta hiểu bằng ý thức. Còn tiếng chuông khi được mang theo thần lực bỗng đi vào sâu trong tiềm thức của ta, làm thay đổi tiềm thức mà chính ta cũng không biết. Tại sao vật vô tri lại chứa đựng những điều màu nhiệm? Đây là một khái niệm mới mà khoa học chưa nghiên cứu đến, tuy nhiên đã được người xưa khai thác rất nhiều.
Nguồn: phatgiao.org.vn