Tượng rồng thời lý 22cm,36cm đúc đồng thu nhỏ chuẩn
Thăng Long nơi Rồng vàng xuất hiện. Hình tượng con Rồng Lý sáng tạo còn là bảo lưu của con rồng dân gian vốn có lâu đời của dân tộc. Nhà Lý đã duy trì gìn giữ những biểu tượng của Rồng truyền thống, và đưa lại ý nghĩa mới của vương quyền. Hình tượng Rồng thời Lý trở thành biểu tượng cao quý – quyền uy của Vương quyền và linh thiêng của Thần quyền (với đạo Phật là Quốc giáo).
Hình tượng Rồng chỉ thực sự phát triển từ triều Lý (thế kỷ XI-XII), mở đầu cho nền văn minh Đại Việt sau ngàn năm Bắc thuộc. Đây là thời kỳ đạo phật được phát triển mạnh, tinh thần tự cường dân tộc luôn được đề cao, nhiều công trình văn hoá nghệ thuật được xây dựng, nghệ thuật trang trí hoa văn cũng phong phú đa dạng. Hình tượng Rồng mang tính linh thiêng, cao quý. Đường nét mềm mại, tinh tế, bố cục hoàn chỉnh nhất quán, mang rõ phong cách.
Hình tượng Rồng trong Tứ Linh (Long- Ly – Quy – Phượng) là đề tài quan trọng của Mỹ thuật truyền thống. Rồng còn là hình tượng độc lập, được thể hiện ở Điêu khắc (Tượng và Phù điêu), trên chất liệu (gỗ, đá). Hoặc Rồng là Hoa văn, họa tiết được thể hiện ở trang trí (trên chất liệu Giấy, Lụa). Nó ứng dụng trong các Hợp thể nghệ thuật: Kiến trúc – Điêu khắc và trang trí thời Lý. Rồng là hình tượng nghệ thuật được đặt ở những vị trí quan trọng trong các kiến trúc Hoàng thành, trang trí trên các cột (gỗ hay đồng) trong kiến trúc Hoàng cung. Hình Rồng thể hiện trên trang phục (Hoàng bào), trên vương miện, cân đai, của vua, hay trong các Chiếu chỉ, Sắc phong… biểu thị uy quyền của vương triều.
Hình tượng rồng trong các ngôi Chùa Phật (Đạo Phật là Quốc giáo), luôn đi liền với vật tế lễ, thờ tự. Hình Rồng trên các Hoành phi, Cửa võng, Long đình, Kiệu , Ngai, trong các Đồ thờ, đồ tế -lễ. Hình tượng rồng trong: Đền, Miếu (hoặc ở Đình từ thế kỷ 16 về sau) thờ những thánh, thần có công với dân. Hình Rồng trên Văn bia đá: Rồng chầu Nhật, Nguyệt (mặt trời, mặt Trăng) chầu lá đề nhà Phật, trên cột đá. Hình Rồng trang trí trên binh khí, trên án thư, hương án, vòm trần, tán lọng… Dù là hình tượng Rồng độc lập hay phối hợp với các mô típ hoa văn, trang trí, chạm khắc thì con Rồng trong nghệ thuật thời Lý có đặc trưng riêng với một phong cách và hình dáng uốn lượn độc đáo.
Cái đẹp của Hình tượng Rồng thể hiện trên các loại hiện vật rất phong phú. Về Hình, khối, Hình dáng Rồng Lý: phần lớn trong chạm khắc không quá sâu (tức là khối không làm nổi cao), mà chủ yếu chú ý nhiều đến hình dáng, mang nhiều chất hoạ. Do vậy khi in rập giấy dó lên các chạm khắc thực hiện được tương đối thuận lợi. Bố cục Hình Rồng Lý: được quy vào trong các loại hình học. Chẳng hạn: Bố cục trong hình Chữ nhật: như các bức chạm đá “Hình Rồng chầu lá đề, đăng đối hai bên là hình các Tiên nữ, nhạc công múa hát” (đế kê chân cột chùa Phật Tích- năm 1057). Các “Hình Rồng chầu lá Đề”, “ hình rồng trên bệ” (tượng Phật, chùa Phật Tích – năm 1066, xã Phật Tích-Tiên Sơn-Bắc Ninh). “Hình rồng trên vách đố” bằng đá (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên đồ đất nung “ phát hiện ở khu vực thành Thăng Long. Hình Rồng trong bố cục hình tròn: như chạm đá “Hình Rồng và hoa dây” (Tháp Chương Sơn – năm 1118, Yên Lợi- ý Yên- Nam Định). Hình Rồng trong bố cục hình bán nguyệt: “Các hình Rồng chầu”, (chạm đá – năm 1118, trong trán bia Chùa Long Đội – Đọi Sơn -Duy Tiên – Hà Nam). Hình Rồng trong bố cục hình lá Đề: “Hình Rồng chầu dâng Ngọc”, Gốm (phát hiện ở khu vực thành Thăng Long Hà Nội). Hình Rồng trong bố cục hình cánh hoa Sen: “Hình Rồng trong các cánh Liên hoa” bệ tượng (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên các cánh hoa Sen” chạm ở mặt trụ đá kê chân cột ở một số công trình kiến trúc Lý mà Khảo cổ học phát hiện được ở khu Hoàng Thành Thăng Long…