ĐỒ ĐỒNG VIỆT
* Hà Nội: Số 235 Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Hà Nội
* www.dodong.com.vn, [email protected]
ĐỒ ĐỒNG WWW.DODONG.VN – Trung tâm mua sắm đồ đồng lớn nhất Việt Nam
Đỉnh đồng thờ cúng đồng vàng – Bảo hành 10 năm
1. Thánh tượng Thiên Nhãn – Ngũ Chi : (Xem mục III : Ý nghĩa Thánh tượng Thiên Nhãn – Ngũ Chi).
2. Đèn Thái Cực : Đèn Thái Cực tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn. Ngôi Thái Cực là một khối Đại linh quang, là khởi điểm của càn khôn vũ trụ, mà mỗi linh hồn của chúng ta là một điểm Tiểu linh quang chiết ra từ khối Đại linh quang ấy.
Đèn Thái cực phải luôn luôn được đốt sáng, dầu có cúng hay không cúng, vì đèn Thái Cực còn tượng trưng cho cái tâm của ta, đó là ngọn tâm đăng nên phải đốt sáng luôn luôn cho cái tâm của ta thường sáng.
Bổn đạo trong nước Việt Nam chúng ta từ lâu nay đã dùng đèn dầu làm đèn Thái cực, nhưng đối với các bạn đạo đang ở các nước tiên tiến như Mỹ, Úc, Âu châu, nơi đây chánh quyền cấm sử dụng đèn dầu vì phòng ngừa hỏa hoạn, nên bổn đạo nơi đó phải dùng đèn điện làm đèn Thái cực. Đèn dầu hay đèn điện đều có trong đó đủ cả âm dương, nhưng điều quan trọng là tạo ra một đốm lửa thường sáng để tượng trưng Thái cực, chúng ta phải chăm sóc thường xuyên, khi tắt thì sửa chữa và đốt lại ngay.
“ Thầy đã nói với các con rằng : Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 140)
3. Cặp đèn Lưỡng nghi : Cặp đèn Lưỡng nghi tượng trưng hai nghi Âm và Dương do Thái Cực biến hóa
tạo ra. Hai nghi đó là Dương quang và Âm quang.
Khi cúng Đức Chí Tôn thì đốt lên cặp đèn Lưỡng nghi, cúng xong thì tắt, còn đèn Thái Cực thì phải đốt sáng luôn luôn.
Chúng ta từ lâu nay đã dùng đèn dầu hay đèn sáp làm cặp đèn Lưỡng nghi, nhưng đối với các bạn đạo đang ở các nước tiên tiến như Mỹ, Âu châu, Úc châu, họ bị cấm không được dùng đèn dầu, nên phải dùng hai bóng đèn điện làm cặp đèn Lưỡng nghi.
Cặp đèn Lưỡng nghi dùng đèn dầu hay đèn điện đều được, miễn là hai đèn đó phải cùng cở và có độ sáng như nhau.
[Nếu dùng đèn điện làm cặp đèn Lưỡng nghi, chúng ta dùng 2 bóng đèn tròn lớn 220V-60W, ghép nối tiếp, dây nối luồn vào bên trong chân đèn, rồi nối với nguồn điện 220V qua một công tắc điện. Đèn sẽ cháy hơi lu nhưng rất bền, không đứt, vì mỗi bóng chỉ chịu điện thế 110V.Còn bóng đèn dùng làm đèn Thái cực thì mua bóng nhỏ 220V-3W kiểu trái ớt, ghép nối tiếp với một diode nhỏ 220V, nó cháy lu nhưng rất bền, không đứt dù nguồn điện lên xuống bất thường. Không được dùng bóng đèn chớp chớp]
4. Ba ly rượu : Khi cúng, dùng rượu trắng tinh khiết rót vào 3 ly, mỗi ly rót 3 phân rượu.
Rượu tượng trưng KHÍ, mà Khí là chơn thần.
Đức Chí Tôn dùng rượu tượng trưng chơn thần của chúng ta là muốn chơn thần cường liệt như rượu mạnh vậy.
Tại sao chỉ rót 3 phân rượu vào mỗi ly ? Khi cúng đàn tại Thánh Thất, ly rượu do lễ sĩ dâng dâng lên phải rót đủ 9 phân, và người tiếp lễ cầm nhạo rượu do lễ sĩ dâng lên, rót thêm vào 3 ly rượu có sẵn trên Thiên bàn cho đủ 9 phân rượu trong mỗi ly là tại sao ?
Ba ly rượu đặt hàng ngang trên Thiên bàn có ý nghĩa giống như 3 cây nhang cắm hàng ngang trong lư hương (Án Tam tài), là để tượng trưng Tam tài : Thiên, Địa, Nhơn (Trời, Đất, Người).
Ly rượu giữa tượng trưng Trời, 3 phân rượu tượng trưng Tam bửu (3 báu) của Trời là : Nhựt, Nguyệt, Tinh.
Ly rượu bên tách trà tượng trưng Đất, 3 phân rượu nầy tượng trưng Tam bửu của Đất là : Thủy, Hỏa, Phong.
Ly rượu bên tách nước trắng tượng trưng Người, 3 phân rượu tượng trưng Tam bửu của Người là : Tinh, Khí, Thần.
Khi lễ sĩ dâng ly rượu và nhạo rượu lên trong lễ cúng Tiểu đàn hay Đại đàn tại Thánh Thất, người tiếp lễ cầm nhạo rượu lên rót thêm vào 3 ly rượu nầy cho đủ 9 phân, vì số 9 là số căn bản của Thiên Địa Nhơn :
– Trời có trên hết là Tam thập lục Thiên (36 từng trời), phía dưới có Cửu Trùng Thiên (9 từng trời). Số 36 là bội số của số 9 căn bản. – Đất có Thất thập nhị Địa (72 địa cầu). Số 72 là bội số của 9. – Người thì có Cửu khiếu (9 lỗ), khi tu hành thì tiến hóa lên Cửu phẩm Thần Tiên, cũng lấy số 9 làm căn bản.
Vả lại, theo Số học, ba số : 36, 72, 9 có ước số chung nhỏ nhất là 3, có ước số chung lớn nhứt là 9, cho nên, trước khi cúng thì rót 3 phân rượu, đến khi dâng Tam bửu thì rót rượu thêm cho đủ 9 phân rượu, có ý nghĩa như vừa trình bày. (Bội số là số lớn hơn nhiều lần, Ước số là số nhỏ hơn nhiều lần).
5. Tách nước trắng và nước trà :
– Tách nước trắng, đặt bên tả của Thiên bàn, tượng trưng Dương. Chúng ta dùng nước thiên nhiên như : nước mưa, nước giếng, nước sông, nước phông tên. Các thứ nước nầy chỉ cần lọc cho tinh khiết, trong suốt, không nấu sôi.
– Tách nước trà, đặt bên hữu Thiên bàn, tượng trưng Âm. Nên dùng loại trà tốt, thơm tho.
Khi rót nước trắng hay trà, phải rót cho đủ 8 phân.
Hai tách nước trắng và nước trà, tượng trưng Âm Dương, nên thường gọi chung là hai tách nước Âm Dương.
Nước trà còn có một ý nghĩa khác : nước trà tượng trưng THẦN, một trong Tam bửu của con người. Thần là chơn linh, linh hồn. Đức Chí Tôn dùng trà tượng trưng chơn linh là muốn chơn linh của ta điều hòa như trà vậy.